Có lẽ sẽ thừa khi nói đến lợi ích đối với doanh nghiệp khi có một hệ thống website chuyên nghiệp. Ngày nay, các công ty đều hiểu sử dụng tốt kênh Internet sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp loay hoay trong việc lựa chọn cho mình những giải pháp trực tuyến. Có thể do họ không hiểu nhiều về Internet và phần mềm, có thể họ ngại thay đổi và cho rằng trước kia không có website cũng có làm sau đâu, có thể do đối tác công nghệ giúp họ phát triển hệ thống đã vẽ ra quá nhiều những ảo tưởng về một cổng thông tin hoành tráng để rồi lại gây thất vọng cho họ khi phải vận hành một hệ thống phức tạp và không phù hợp với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng không thể đổ mọi lỗi lên đầu đối tác công nghệ. Có quá nhiều ngành nghề khác nhau và những người phân tích hệ thống tại các công ty tin học không thể bao quát hết được để có thể cho ra một sơ đồ đẹp và phù hợp. Hơn nữa, các công ty bán website giá rẻ liên tục ra đời làm cho giá chung của cả thị trường giảm xuống. Với mức giá thấp như vậy, thật khó có thể đầu tư nhân lực và thời gian để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt, tối ưu hoá và tính ổn định cao.
Do vậy, nếu doanh nghiệp của bạn muốn phát triển kênh thông tin đầy triển vọng này thì trước hết, bạn phải nắm rõ những điều cơ bản và chung nhất của một hệ thống và từ đó kết hợp với sự tư vấn và kỹ thuật của các đối tác công nghệ để đưa ra một sản phẩm hoàn chỉnh phù hợp với lĩnh vực của mình với chi phí hợp lí.
1. Domain (Tên miền)
Giá server hay các gói code cho website thông thường rất khó để đạt tới giá trăm nghìn đô la. Nhưng tên miền giá vài triệu, thậm chí đến hàng chục triệu đô la thì đã nhiều lần được mua đi bán lại. Điều ấy có nghĩa là đến một mức độ nào đó, tên miền là thứ quan trọng nhất. Trong xây dựng thương hiệu cũng có nói, đại ý: “Một thương hiệu đến một lúc nào đó rốt cục cũng sẽ trở thành một cái tên” nhưng nếu hệ thống nhận diện thương hiệu cho một sản phẩm bình thường khá phức tạp thì đối với một website tên miền gần như là tất cả. Khách hàng khó có cách tiếp cận hệ thống bằng khác là tiếp cận bằng tên miền.
Tên miền Việt Nam do VNNIC và các đại lý phân phối có giá khởi tạo là 450.000. Giá duy trì hàng năm đối với tên miền cấp 3 (VD www.abc.com.vn) là 480.000 và 600.000 đối với tên miền cấp 2 (VD www.xyz.vn). Tên miền quốc tế (VD www.abc.com hoặc www.xyz.net có giá từ $3 US tới hơn $50 US hàng năm tuỳ theo nhà cung cấp. Trên thế giới rất nhiều nhà cung cấp tên miền và cũng có nhiều công ty Việt Nam hợp tác để bán tên miền quốc tế. Có rất nhiều nhà cung cấp uy tín cho bạn chọn lựa như http://register.com, http://mydomain.com, http://yahoo.com . Nếu bạn có thẻ VISA, bạn có thể dễ dàng mua domain của Yahoo và giá cũng khá rẻ ($9.5 US). Khi mua tên miền, bạn nên dùng 1 tài khoản yahoo khác để quản lí, không dùng nó để email hay chatting vì nếu bị lộ password email thì nguy cơ mất tên miền là rất lớn.
Ưu điểm của tên miền quốc tế là rẻ và thông dụng vì thậm chí nhiều khách hàng quốc tế không hề biết tới sự tồn tại của các tên miền .vn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, thật khó để có thể lựa chọn cho mình một tên miền quốc tế đẹp. Hơn nữa, sử dụng tên miền tiếng Việt an toàn hơn do thủ tục đăng ký luôn là chính chủ và có thể phục hồi sau sự cố rất nhanh.
2. Hosting - server
Khi bắt tay vào xây dựng website, bạn sẽ phải lựa chọn nên mua server riêng hay chỉ dùng một gói hosting. Các công ty về tin học, công ty lớn hay công ty cần có sự bảo mật cao thường tự mua server và thuê chỗ đặt. Các công ty nhỏ và ở các ngành nghề khác thường dùng các gói hosting do các nhà cung cấp bán lẻ. Hosting cũng là một phần server do các nhà cung cấp chia ra và hạn chế các thông số trong một chừng mực cụ thể.
Dịch vụ lưu trữ web đang có xu hướng dùng server đặt tại Việt Nam. Thứ nhất là tốc độ truyền nhanh hơn có nghĩa là những khách hàng truy cập từ Việt Nam sẽ tải website nhanh hơn so với việc website đó đặt ở nước ngoài. Thứ 2 là sau những vụ hacker viếng thăm các website thì các doanh nghiệp cũng lo lắng khi đặt hệ thống của mình tại các server nước ngoài. Hơn nữa là giá server Việt Nam cũng không còn “trên trời” như trước. Tuy nhiên, khi chọn lựa, bạn cũng nên tỉnh táo để xem nhà cung cấp tại Việt Nam đúng là server của họ hay chỉ là đại lí bán lẻ của server nước ngoài.
Để mua 1 server ổn định, bạn có thể đầu tư từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Giá thuê chỗ đặt server của VDC và FPT khoảng 3 triệu/1tháng. Các gói hosting có giá cả linh động tuỳ theo nhà cung cấp, dung lượng, băng thông, cấu hình máy chủ và các chỉ số khác. Thông thường khoảng 2 – 4 triệu/1 năm
3. Giao diện một website
Cũng giống như bất cứ sản phẩm thông thường nào, bộ mặt là điều đầu tiên và là điều dễ dàng nhất để người sử dụng có cảm tình.
3.1 Bố cục và cách trình bày
Trên mỗi website có 3 điểm nhấn quan trọng. Đó là 2 góc phía trên và tâm điểm màn hình khi trang chủ mới được hiển thị. Khai thác 3 điểm đặc biệt là một trong những yếu tố thành công. Trên những điểm này, bạn có thể đặt những thứ quan trọng như logo, tin nổi bật, các menu quan trọng hay các logo quảng cáo của đối tác. Còn tất nhiên điểm giữa cũng là điểm tối quan trọng sẽ là nội dung chính của bạn.
Hiện nay, xu hướng của các website đang là việc làm sao để sắp xếp nội dung lớn nhất ra trang chủ. Điều này có thể thấy tại trang chủ của Yahoo. Mặc dù cung cấp rất nhiều dịch vụ nhưng cứ vào trang chủ của Yahoo là bạn sẽ thấy tất cả được trưng bày.
Về độ dài của website, các trang hiện tại của Việt Nam có độ dài khá lớn. Dù bạn có nhiều thông tin đến đâu, phần thanh kéo chiếm tốt nhất là trên 1/3 của cả thanh.
3.2 Font chữ
Font chữ trên website được chia ra làm 2 dòng là chữ không chân (Như Arial, Tahoma…) và chữ có chân (Như Time NewRomans) Chữ không chân tốn ít diện tích hơn. Nghĩa là, lợi thế về mặt diện tích. Tuy nhiên nó hợp với ngôn ngữ không dấu hơn là có dấu. Bởi vì, nếu có dấu, khoảng cách giữa các chữ và khoảng cách giữa các dòng trông sẽ rất sát và gây khó đọc. Chữ có chân tốn nhiều diện tích hơn, nhưng nó tạo không gian thoáng cho 5 dấu của Tiếng Việt có thể đứng thẩm mỹ hơn.
Hiện tại thì chưa có nghiên cứu nào chỉ ra thể loại chữ nào dùng tốt hơn chữ nào trong tiếng Việt. Nhưng website nên dùng chữ có chân để dễ đọc hơn.(Trên sách báo in chủ yếu là dùng chữ có chân). Tất nhiên là phần title in đậm dùng chữ không chân sẽ rõ ràng và ấn tượng, còn phần trích tin cũng dùng chữ không chân để tận dụng diện tích.
Ngoài ra, xu hướng trên thế giới cũng có hai loại chữ không chân đang được ưa chuộng là arial và tahoma. Theo các sự phân tích của designer thì tahoma dễ đọc và có tính thẩm mỹ cao hơn trong khi đó thì arial lại gọn và thông dụng hơn. Đúng là tahoma hiển thị khá đẹp và sự tròn trịa, rõ ràng cũng như khoảng cách giữa dòng, giữa chữ của tahoma nhiều hơn khiến việc đọc thông tin trở nên thú vị.
Một điểm nữa là việc căn lề chữ. Cũng có 2 xu hướng cho việc căn lề. Khi căn lề 2 bên, ưu điểm là trực quan thẩm mỹ nhưng chữ căn lề 1 bên lại dễ đọc hơn, không bị đau mắt vì phải phân biệt dòng trên dòng dưới. Theo các chuyên gia, những mẩu tin ngắn thì nên căn lề 2 bên để đảm bảo thẩm mỹ nhưng đối với tin dài, việc này là phản tác dụng vì khá nhức mắt khi phải đọc với các dòng đều nhau.
3.3 Màu sắc
Không có một tiêu chuẩn cụ thể nào cho màu sắc của 1 website, nhưng ngoài hình ảnh ra, không nên dùng quá 4 màu cho các thanh tiên đề và các vị trí chủ đạo. Nếu muốn tác phẩm của mình trở nên đa sắc, bạn có thể dùng CSS để đổi màu một cách nhanh chóng.
Nói chung, website nên dùng những màu sắc tươi sáng nhưng không quá loá mắt. Ngồi trước màn hình trong thời gian dài đã là một điều không dễ đối với nhiều người, đừng bắt họ phải chịu đựng sự tra tấn về màu sắc.
3.4. Hình ảnh và flash
Các hình ảnh trên website có thể tĩnh hoặc động. Việc tạo nên ảnh động có thể là 1 đoạn code cho chạy các file ảnh khác nhau, có thể là ảnh .gif, có thể là flash hoặc các định dạng đồ hoạ khác.
Việc sử dụng các yếu tố động tạo nên sự sinh động cho website nhưng cũng không được lạm dụng nó, nhất là đối với các website có nội dung nghiêm túc hoặc chuyên ngành. Nếu trang của bạn không phải là trang giải trí thì tốt nhất là đừng lạm dụng hình ảnh.
Trong quá trình sử dụng hình ảnh, nhất là các hình ảnh quảng cáo cho các đối tác khác, bạn phải rất chú ý vì các designers chuyên nghiệp khi thiết kế luôn giữ cho website 1 vài màu nhất định để tạo nét riêng và thường thì các designers hiểu biết cũng luôn thiết kế theo màu của thương hiệu. Khi đặt banner của đối tác, nếu lớn quá thì màu sắc của banner đó (Vốn không phải do bạn thiết kế và thường là rất sặc sỡ) sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ màu sắc của cả website. Có thể yếu tố thương hiệu của bạn bị nhạt nhoà vì những lý do tưởng như vô hại như vậy.
Hiện tại các website Việt Nam đang lạm dụng flash một cách không cần thiết. Flash có thể không hiển thị theo ý muốn tại các trình duyệt vì dù sao nó cũng không phải là một đối tượng mặc định. Hơn nữa vì là một đối tượng nên các lệnh thực thi trên flash chỉ thực hiện khi bạn đã chọn đối tượng ấy. Rồi thêm nữa là việc lạm dụng cả yếu tố âm thanh trong flash cũng gây khó chịu cho người duyệt và còn nhiều những khuyết điểm khác nữa mà lỗi này ở cả designer, người phân tích hệ thống và có khi ở chính khách hàng khi yêu cầu. Có lẽ việc lạm dụng này cũng là hậu quả của việc chạy theo mốt.
4. Các thẻ và công nghệ
4.1 Table layout và việc chia module.
Tới hơn 90% các website Việt Nam dùng table layout có nghĩa là website của họ bản chất là 1 bảng lớn chứa các bảng nhỏ bên trong. Việc dùng bảng gặp phải 2 khó khăn lớn. Thứ nhất là việc hiển thị trên các trình duyệt khác nhau sẽ khó có thể giống nhau. Không phải website nào “đẹp” trên IE cũng đẹp trên FireFox. Thứ 2 là nguyên tắc của bảng là phải đọc hết dữ liệu mới hiển thị. Điều này làm các website load chậm và khi chưa load xong trông rất phản cảm. Xu hướng thiết kế của các Web designer là sử dụng thẻ <div>. Khi dàn trang bằng thẻ div, website sẽ hiển thị nhanh và rất gọn gàng.
4.2 Thẻ meta và công cụ tìm kiếm
Kỹ thuật thẻ meta không khó kiếm trên các website chuyên về quảng bá trực tuyến nhưng nhiều trang không chú ý đến nó mà lỗi thường lại là của lập trình viên. Khi các cỗ máy tìm kiếm như google, yahoo, 7search ghé thăm 1 website. Điều nó quan tâm là các thẻ meta trên đầu website và sẽ luôn lưu ý đến những từ khoá ấy nếu nội dung mà bạn cung cấp tương ứng với những từ khoá đó. Tuy nhiên các cỗ máy tìm kiếm hiện tại cũng đã cải tiến khác trước nhiều và cũng cảnh giác với những từ khoá “lừa đảo” hơn.
Tóm lại, điều cơ bản là doanh nghiệp của bạn phải có cái nhìn đúng đắn về website và các vấn đề để quảng bá cho nó cũng như dùng nó để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình. Xây dựng một hệ thống đẹp và có chiều sâu là một điều không hề dễ dàng. Hãy tìm hiểu và phân tích thật kỹ, cùng đối tác đưa ra những giải pháp phù hợp và đôi khi còn phải tư vấn ngược trở lại cho đối tác nữa. Và còn một điều nữa là ngân sách bỏ ra cho một website dù nhiều cũng không thấm tháp gì so với chi phí cho những chiến dịch quảng cáo khác và vì thế bạn hãy đặt niềm tin vào những đối tác xứng đáng. Họ sẽ cho bạn thấy bạn thu được nhiều lợi ích hơn so với các nhà cung cấp website rẻ tiền.